Theo đó, đối với phường Dương Nội, HĐND Thành phố quyết định đặt tên 2 tuyến phố mới, gồm:
Phố Phạm Khắc Hòe: Cho đoạn từ ngã ba giao phố Nguyễn Thanh Bình tại cổng chào Khu đô thị Dương Nội, đến ngã tư giao đường tiếp nối phố Lê Giản tại Công viên Thiên văn học. Tuyến phố có chiều dài 898 m, rộng 25m (lòng đường 15m, vỉa hè mỗi bên 5m), đường thảm bê tông nhựa, có vỉa hè hai bên, có cây xanh, điện chiếu sáng đô thị.
Ông Phạm Khắc Hòe là một luật sư, nhà văn, Đổng lý Ngự tiền văn phòng triều Bảo Đại (vị vua cuối cùng thời phong kiến nước ta). Ông quê ở xã Đức Nhân, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh, xuất thân trong một gia đình khoa bảng. Trải nhiều công việc và chức vụ, năm 1944 - 1945 ông làm Ngự tiền văn phòng đổng lý của vua Bảo Đại, hàm Thượng thư. Ông là người soạn thảo chiếu "thoái vị" cho vua Bảo Đại ngày 22/8/1945. Phạm Khắc Hòe là người chứng kiến sự cáo chung của triều đình nhà Nguyễn trước và trong Cách mạng Tháng Tám (1945). Không những là người chứng kiến, ông còn là người góp phần thúc đẩy sự sụp đổ của triều đình phong kiến nhà Nguyễn từ bên trong. Bằng cuộc vận động gây sức ép buộc Bảo Đại thoái vị, lại chính tay soạn thảo Chiếu thoái vị cho Bảo Đại, Phạm Khắc Hòe từ bên trong, phối hợp với các lãnh đạo chủ chốt của Việt Minh tại Huế góp phần làm sụp đổ chế độ phong kiến cuối cùng ở nước ta. Sau năm 1945, ông tham gia chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và giữ nhiều chức vụ quan trọng. Ông còn tham gia các cuộc đàm phán Việt - Pháp ở Đà Lạt và Fontainebleau với tư cách cố vấn kiêm Tổng thư ký Đoàn đại biểu Việt Nam. Từ cuối 1957, ông giữ chức vụ Vụ trưởng vụ Pháp chế Phủ Thủ tướng cho đến khi về hưu. Ông mất năm 1995, án táng tại nghĩa trang Mai Dịch. Ông là người suốt đời làm việc đó theo tiếng gọi của Tổ Quốc, sự thúc giục của lương tâm, với tấm lòng thiết tha mong muốn nước nhà có một chế độ mới thay thế chế độ vua quan lỗi thời mà ông hiểu rất rõ. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất.
Tuyến phố Phan Hiền: Cho đoạn từ ngã ba giao phố Nguyễn Văn Luyện đến ngã ba giao đường nội khu đô thị An Hưng. Tuyến phố có chiều dài 1.000m, rộng 40m (lòng đường mỗi bên 11,5m, vỉa hè mỗi bên từ 7m, dải phân cách 3m). Đường thảm bê tông nhựa, có vỉa hè hai bên, có cây xanh, điện chiếu sáng đô thị.
Phan Hiền là tên vị Bộ trưởng Bộ Tư pháp đầu tiên của nước ta sau khi Bộ Tư pháp được tái lập vào năm 1981. Ông tên thật là Lê Thụy Lan, quê ở xã Văn Bình, huyện Thường Tín, Hà Nội. Ông là người có đóng góp quan trọng, nổi bật với ngành Tư pháp nước ta. Ông đã chỉ đạo, tham mưu, ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật quan trọng như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Hôn nhân và gia đình và một số Pháp lệnh tạo tiền đề vững chắc xây dựng một số lĩnh vực pháp luật quan trọng như Pháp lệnh về tổ chức Luật sư, Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính, Pháp lệnh thi hành án dân sự… Năm 1992, Quốc hội ban hành Hiến pháp đầu tiên thời kỳ đổi mới đất nước, trong đó có nhiều đóng góp quan trọng của Bộ trưởng Phan Hiền. Ông cũng đã ký kết nhiều Hiệp định tương trợ tư pháp quan trọng giữa Việt Nam và Liên Xô, Tiệp Khắc, Campuchia, Cu Ba, Hungary, Bungary.
Với những đóng góp cho cách mạng và sau khi đất nước độc lập, thống nhất, Bộ trưởng Phan Hiền đã được trao tặng nhiều huân, huy chương cao quý, trong đó có Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ hạng Nhất, Huân chương Hồ Chí Minh, Huy chương vì sự nghiệp Ngoại giao, sự nghiệp Tư pháp, Huy chương vì sự nghiệp Hòa Bình giữa các dân tộc, Huy chương Chiến sĩ Việt Minh thành Hoàng Diệu…
Hoàng Hà